Khi nhà bác học Albert Einstein được hỏi về việc phẩm chất nào ở ông khiến ông trở thành một nhà khoa học vĩ đại như ngày hôm nay, ông đã trả lời rằng đó là tò mò. Ông diễn giải rằng một đứa nhà bác học và một đứa trẻ giống nhau ở điểm cả hai đều rất tò mò về thế giới. Khi đứa trẻ lớn lên, theo thời gian sự tò mò khám phá đó mất dần đi, trở thành người lớn và ngừng lại sự khám phá thế giới, còn đối với nhà khoa học thì họ vẫn giữ được sự tò mò như khi còn là một đứa trẻ.
Tư duy là gì?
Tư duy là sự vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm theo một trật tự hệ thống để tạo ra một ý tưởng hoặc một giải pháp.
Có thể hiểu một cách đơn giản, tư duy gồm 2 phần là những gì bạn biết và cách bạn sử dụng những điều bạn biết như nào sao cho hiệu quả.
- Thành tố thứ nhất: Hiểu biết và kinh nghiệm
Trẻ em hăng say khám phá thế giới bằng tất cả các giác quan và sự tò mò như một nhà thám hiểm mặt Trăng vậy. Thật khó có thể tìm được sự chủ động học hỏi như vậy ở một giai đoạn nào khác trong một đời người.
Tuy nhiên hiểu biết và kinh nghiệm của một đứa trẻ là rất ít so với một người trưởng thành. Nếu một người trưởng thành chúng ta một ngày phải đọc hàng chục, hàng trăm trang tài liệu thậm trí là tài liệu tiếng nước ngoài để giải quyết các vấn đề công việc, thì ở những đứa trẻ, chúng phải sống trong tình trạng không biết chữ cho đến tận khi vào lớp 1 và phải mất thêm nhiều năm nữa đề hoàn thiện vốn từ. Để từ một đứa trẻ lớn lên thành người trưởng thành là cả một quá trình học hỏi lâu dài và tích luỹ thêm nhiều kiến thức.
- Thành tố thứ hai: Tính hệ thống của các kiến thức
Các kiến thức khi đi vào trong tâm trí sẽ được sắp xếp theo trật tự, cách phân loại tuỳ thuộc vào sự độc đáo của mỗi cá nhân giống như cùng một câu nói nhưng có người coi đó là lẽ sống cho mình, còn cũng có người coi đó là câu chuyện phiếm.
Những kiến thức khi được sắp xếp một cách có khoa học thì sẽ bổ trợ lẫn nhau và sản sinh ra những trí thức mới. Còn trong trường hợp những kiến thức được sắp xếp lộn xộn về thứ tự ưu tiên, phạm vi ứng dụng, hoàn cảnh áp dụng,…thì sẽ tạo ra cảnh hỗn loạn, triệt tiêu lẫn nhau tạo ra sự lỏng lẻo và thất thường trong suy nghĩ.
Thông qua giáo dục, chúng ta được dạy về cách thực hiện một việc suy nghĩ, cách để ghi nhớ, đánh giá, phân loại và gợi nhớ lại kiến thức.
Ví dụ như khi không tìm thấy một đồ vật, chúng ta biết cách để tìm chúng là nhớ lại lần gần nhất nhìn thấy chúng hoặc bắt đầu tìm từ những nơi quen thuộc trước.
Hiểu biết của những đứa trẻ và cách chúng vận dụng những hiểu biết đó để đưa ra những ý tưởng chính là sự tư duy.
Một đứa trẻ sẽ không có nhiều hiểu biết và cũng chưa biết những phương pháp tư duy của người trưởng thành. Điều đó không có nghĩa là trẻ không có tư duy, tư duy của trẻ có sự độc đáo riêng mà người lớn chúng ta mc dù ai cũng đã từng trải qua nhưng khi trưởng thành lại quên mất.
Đặc điểm tư duy của trẻ thơ
- Sự hiểu biết
Một đứa trẻ sẽ không có nhiều hiểu biết như người trưởng thành, nhưng bù lại trẻ được tiếp cận với những kiến thức cô đọng và thực tế nhất. Người lớn chúng ta sẽ dễ bị rơi vào những cuộc trò chuyện nhàm chán, tẻ nhạt và xã giao, bị ép buộc phải ghi nhớ những điều bản thân mình không hứng thú. Còn khi là một đứa trẻ thì chúng sẽ từ chối dung nạp vào đầu những điều chúng cho rằng không có giá trị, chúng sẽ bịp tai, ngó lơ hoặc quấy phá cho đến khi ta dừng lại.
Người trưởng thành nhồi nhét vào trong đầu rất nhiều thứ chúng ta không cần thiết và thậm trí là sai lệch và vô giá trị. Trẻ con nếu không biết sẽ trả lời là không biết, còn vấn đề của người trưởng thành chính là cái gì cũng biết lơ mơ, thậm trí không biết nhưng lại hiểu nhầm là mình biết.
Có thể nói đặc điểm về hiểu biết của trẻ chính là ít nhưng chất lượng, đơn giản cô đọng.
- Tính hệ thống
Thông qua giáo dục và tích lũy, người trưởng thành sẽ trang bị cho mình được những phương pháp tư duy mà không thể có được chỉ với bản năng tự nhiên của một đứa trẻ. Sơ đồ tư duy, kỹ năng xây dựng kế hoạch và mục tiêu, ghi chép,…là những kỹ năng tư duy không xa lạ với người lớn nhưng hầu hết trẻ em không thể tự hình thành được.
Người phương Tây có một câu ngạn ngữ “Cái gì không thể giải thích cho một đứa trẻ 7 tuổi hiểu được thì tức là bởi vì nó không đúng.” Quan điểm này xuất phát từ thực tế rằng một đứa trẻ 7 tuổi đã có thể hiểu được rất nhiều thứ, chỉ là bạn có thể giải thích cho chúng được hay không mà thôi. Người lớn có thể bị lừa bởi những mánh khoé tâm lý, những lý thuyết suông, tư tưởng hoang đường, nhưng để làm điều đó với một đứa trẻ lại rất khó. Bạn không thể lừa chúng bởi những lý thuyết suông, những từ ngữ đao to búa lớn được bởi vì chúng sẽ không hiểu. Trẻ em tư duy vấn đề bằng những khái niệm rất thô sơ nhưng lại rất hiệu quả.
Ví dụ có lần một học sinh của tôi hỏi rằng:
– Thầy sợ cô Tuyến à?
– Tất nhiên, cô Tuyến là sếp của thầy mà
– Vậy cô Tuyến trả lương cho thầy có nhiều không?
– Không con ạ, lương thầy thấp lắm
Cậu học sinh của tôi cau mày và đáp:
– Vậy thì con không hiểu sao thầy lại phải sợ cô Tuyến vì đáng lẽ ra cô Tuyến phải sợ thầy bỏ việc đi mới đúng chứ. Nếu như cô Tuyến trả lương thầy cao thì thầy mới phải sợ bị đuổi chứ.
Trong câu chuyện trên, đứa trẻ chưa thể hiểu những khái niệm như thị trường lao động, giá cả lao động, các quy tắc và vấn đề doanh nghiệp như người lớn nhưng có lẽ bởi vì thế mà trẻ có thể nhìn nhận vấn đề mối quan hệ giữa nhân viên và sếp một cách rất trọng tâm rằng đó là quan hệ mua bán sức lao động. Đó là một cách nhìn nhận vấn đề rất đơn giản nhưng cũng rất đúng trọng tâm.
Trẻ em biết cách vận dụng tối ưu những hiểu biết của mình và là những bậc thầy trong việc giản lược hoá vấn đề sao cho vẫn giữ được tính chính xác và trọng tâm của vấn đề cần giải quyết.
Làm sao để học cách tư duy của con
Đầu tiên, phải biết được sự hiểu biết của trẻ đến đâu. Hãy để cho trẻ có cơ hội bộc lộ những hiểu biết của mình. Hãy luôn hỏi trẻ rằng trẻ có biết điều đó không. Bạn sẽ bất ngờ với vốn kiến thức của trẻ, đa phần sẽ luôn nhiều hơn những gì người lớn chúng ta nghĩ rằng chúng có thể biết.
Trẻ rất tò mò, vì trẻ còn quá nhiều thứ muốn được khám phá. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ mẫu giáo chúng sau này muốn làm gì, thì thường bạn sẽ nghe được các trả lời khá ngộ là “sau này con muốn đi chơi”. Đó là bởi vì bố mẹ ở nhà thường trì hoãn lòng ham thích khám phá của con trẻ bằng câu “Đợi sau này”.
Trẻ rất đề cao tính giá trị, thực dụng trong tư duy. Nếu kiến thức thú vị, trẻ sẽ say mê khám phá nó tới mức quên hết mọi thứ xung quanh. Nếu bạn hét lên với một đứa trẻ là con nhìn kỹ vào trong sách, thì trẻ sẽ nhìn vào chằm chằm vào bạn, vì trẻ tư duy rằng điều quan trọng nhất ở hiện tại là làm hài lòng cảm xúc của người lớn chứ không phải là kiến thức.
Trẻ tư duy bằng cảm xúc rất nhiều, trẻ luôn biết người lớn chờ đợi câu trả lời gì. Ở các trường mẫu giáo và tiểu học. Các con có thể không hiểu câu hỏi của giáo viên có nghĩa là gì, nhưng thông qua giọng điệu và thái độ của giáo viên mà có thể trả lời một cách rất đồng thanh “vâng ạ” “Biết rồi ạ”,… Nếu người lớn tỏ ra mất kiên nhẫn với trẻ, trẻ sẽ biết nói dối để người lớn hài lòng.
Lời kết
Tư duy của một đứa trẻ luôn đầy ắp sự thú vị và nhiệt thành. Là một nhà giáo dục, tôi tin rằng sự giáo dục dành cho những năm thơ ấu đặc biệt quan trọng nhất là trong việc duy trì một thái độ học tập và tác phong nề nếp trong suy nghĩ. Chúc các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh đạt được kết quả tốt đẹp trong việc nuôi và dạy trẻ.
Khóa học Ismartkids của Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara sẽ giúp trẻ trang bị kỹ năng rèn luyện bản thân và hình thành những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực. Ngoài ra khóa học Fastrackids STEM của Cara sẽ giúp trẻ trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho thế kỉ 21 , kiến thức khoa học xã hội , khoa học ,đồng thời giúp trẻ định hướng nghề nghiệp sau này .
Giáo viên Tuấn – Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara