Người Do Thái là một trong những dân tộc luôn gắn liền với những câu chuyện về sự khôn khéo trong mọi việc họ làm. Trong cách dạy con, người Do Thái cũng có những nguyên tắc rất căn bản nhưng hiệu quả đi cùng các con xuyên suốt cuộc đời. Vậy những nguyên tắc này là gì?
Không sử dụng từ ngữ tiêu cực với con
Trong mọi hoàn cảnh cha mẹ người Do Thái không nói với con những từ ngữ tiêu cực như “Con là đồ lười biếng” “ Sao con kém cỏi thế”… Thay vào đó họ ý thức và hiểu rõ những khuyết điểm của con và sẽ sử dụng những từ ngữ uyển chuyển để truyền đạt với trẻ. Ví dụ: Thay vì quát nạt “ Tại sao con hỗn láo như vậy” họ sẽ nói “Con là một em bé ngoan, sao con lại hành động đáng tiếc như vậy”.
Trước mặt trẻ, trước mặt người ngoài, người Do Thái không chỉ trích mà chọn cách khéo léo uốn nắn, dạy dỗ con cái. Họ không để người ngoài can thiệp hay tác động đến cách dạy con của mình. Việc hạn chế đi các từ ngữ tiêu cực sẽ giúp trẻ không bị sợ hãi và có được sự tiếp thu những lời dạy bảo tốt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi ở cha mẹ một sự kiên nhẫn cao độ cùng khả năng kiềm chế cơn nóng giận tốt.
Thường xuyên khen ngợi động viên trẻ
Cha mẹ người Do Thái không tiếc lời khen ngợi động viên trẻ, thậm chí ngay từ khi bé chưa biết, chưa hiểu về ngôn ngữ. Mọi hành động của trẻ từ đơn giản như biết nói, biết vẽ đều nhận được sự động viên. Đặc biệt, họ không ngần ngại khen trẻ ở chỗ đông người, điều này khiến trẻ cảm thấy hãnh diện, tự tin hơn trong cuộc sống.
Điều này xuất phát từ việc người Do Thái tin rằng khuyến khích, động viên sẽ nâng cao lòng tự trọng, thúc đẩy năng lượng, tinh thần làm việc có trách nhiệm của trẻ. Trong trường hợp trẻ có thành tích ấn tượng, trẻ nhận được sự cổ vũ, khen ngợi của cả gia đình.
Đề cao trí tuệ và học thức
Đề cao trí tuệ là điều cha mẹ người Do Thái luôn dạy con từ khi còn nhỏ. Theo đó, họ luôn có những phương pháp hiệu quả để bồi dưỡng, tích lũy trí tuệ cho trẻ. Họ dạy trẻ cách vận dụng biện pháp để học tập hiệu quả, dạy trẻ quý trọng sách vở, chăm chỉ để đạt tới nền kiến thức uyên bác. Họ cũng khéo léo dùng những lời khen ngợi để con hướng tới sự học nhiều hơn.
Với người Do Thái, học tập không bao giờ là quá muộn, vì vậy bất cứ thời điểm nào cha mẹ cũng luôn cổ vũ, động viên trẻ tự học và tiếp nhận kiến thức. Kiến thức không chỉ ở tài liệu hay sách vở mà còn ở việc giao lưu với mọi người, học ở trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy vậy, không có sự học nào có thể gượng ép và việc bắt buộc các con phải học thật nhiều phần lớn đều gây phản tác dụng, thậm chí là ảnh hưởng xấu đến tinh thần của các con. Những kiến thức được lồng ghép khéo léo sẽ giúp các con thấy được niềm vui trong việc học một cách đơn giản và hiệu quả hơn.
Rèn luyện tính tự lập từ sớm
Không chỉ học tập, rèn luyện để trở nên thông minh, những đứa trẻ người Do Thái được dạy cách tự lập từ rất sớm, trẻ bắt đầu lao động từ lúc 2 tuổi. Trẻ bắt đầu bằng việc tự phục vụ bản thân và làm những công việc nhà phù hợp. Tự lập là tiền đề giúp trẻ tin tưởng vào chính bản thân mình, không lùi bước trước khó khăn, không dựa dẫm vào bố mẹ.
Khơi gợi lòng thấu cảm và sự nhân ái
Lòng thấu cảm và nhân ái là nguyên tắc trong phương pháp dạy con của người Do Thái bởi họ quan niệm phẩm chất con người quyết định sự thành công. Trẻ cần biết yêu thương người khác một cách chân thành để rồi nhận lại sự yêu mến của mọi người, giúp cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
Biết cách quản lý thời gian
Thời gian là tài sản quý báu nhất của mỗi con người. Do đó, việc quản lý thời gian được người Do Thái vô cùng xem trọng. Họ ưu tiên việc để cho các bé được tự mình sắp xếp thời gian học tập, vui chơi cũng như làm việc nhà để con tự hình thành nên những thói quen phân chia công việc hợp lý từ khi còn rất nhỏ.
Với 1 số gia đình làm nghề kinh doanh, người Do Thái dạy con cùng tham gia vào công việc này từ rất sớm. Thông qua trải nghiệm thực tế trẻ được rèn luyện cách sắp xếp công việc tự chủ và hoàn thành nhiều việc cùng lúc.
Học cách làm cha mẹ
Người Do Thái tự hào với hệ thống giáo dục dành riêng cho cha mẹ và bất kỳ người nào trong số họ đều phải học. Sau khi kết hôn, nam giới và phụ nữ phải xác định cuộc sống không còn độc thân nữa, hiện tại họ phải gánh vác trách nhiệm làm cha mẹ và sống vì người thân, gia đình.
Đối với mỗi người Do Thái học làm cha mẹ là một trong những văn hóa quan trọng hàng đầu. Họ tin rằng, muốn thành công trong việc nuôi dạy con cần phải vượt qua khó khăn, làm cha mẹ không phải là gánh nặng mà là một niềm vinh dự. Điều này cũng phần nào giúp các gia đình trẻ hạn chế đi các xung đột không đáng có và sẵn sàng đồng hành cùng nhau trên đường đời.
Trên đây là 7 nguyên tắc dạy con mang tính cốt lõi của người Do Thái mà đến nay, tính đúng đắn của nó vẫn còn rất cao. Để được tham khảo thêm những nội dung hữu ích về chủ đề nuôi, dạy con, hãy đón xem những bài đăng tiếp theo của Cara tại https://cara.edu.vn/tin-tuc