Thế giới trẻ thơ luôn đầy ắp những điều kì bí, ngây thơ, trong sáng. Các bạn luôn mong muốn được người lớn lắng nghe, chia sẻ về những cảm xúc, tâm tư, tình cảm của mình. Nếu giáo viên và bố mẹ biết cách khơi gợi, chia sẻ với các bạn sẽ tạo được niềm tin và giúp trẻ kiểm soát cảm xúc một cách tích cực trong cuộc sống.
Sau đây là những hoạt động về cảm xúc giáo viên và bố mẹ có thể cùng các bạn nhỏ trải nghiệm.
1. Chiếc hộp tức giận
Trong một ngày chúng ta có rất nhiều cảm xúc khác nhau, có những cảm xúc tích cực và những cảm xúc tiêu cực. Đôi khi trẻ sẽ có những hành động mất kiểm soát cảm xúc của mình trong lúc tức giận khiến người khác tổn thương. Nếu không muốn làm tổn thương người khác, hãy cùng trẻ thực hiện hoạt động “Chiếc hộp tức giận”.
Chúng ta cần chuẩn bị cho mình một chiếc hộp nhỏ và những tờ giấy màu. Mỗi khi các bạn ghét một ai đấy hay có những điều không thích ở họ, hãy ghi lại vào mảnh giấy, bỏ vào chiếc hộp tức giận thay vì thể hiện cảm giác khó chịu, bực tức với người đó. Như vậy, chúng ta vừa được giải tỏa cảm xúc, vừa không làm tổn thương người khác. Khi chiếc hộp tức giận đã đầy, đó cũng chính là lúc chúng ta học được cách kiềm chế cảm xúc của bản thân và giữ được những mối quan hệ thân thiết.
2. Bông hoa sắc màu
Giáo viên và bố mẹ phát cho học sinh một bức tranh là hình ảnh bông hoa năm cánh, mỗi cánh hoa ghi một câu hỏi sau:
- Ngày hôm nay của bạn như thế nào?
- Kỉ niệm khiến bạn vui là gì?
- Kỉ niệm khiến bạn buồn là gì?
- Người bạn yêu thương nhất trên cuộc đời là ai?
- Bạn thích tô màu gì cho bông hoa?
Trò chơi này nhằm cải thiện kiểm soát cảm xúc của trẻ, giúp trẻ được nói lên tình cảm của mình với mọi người xung quanh, giúp giáo viên, các bạn trong lớp hiểu nhau hơn. Học sinh có thể rèn luyện khả năng đồng cảm, thấu cảm với câu chuyện của người khác.
3. Dòng sông cuộc đời
Mỗi ngày trôi qua trong quá khứ sẽ tạo nên con người của bạn hiện tại. Với trẻ cũng vậy, những trải nghiệm trẻ được tham gia sẽ giúp các bạn lớn lên, trưởng thành hơn, tự kiểm soát cảm xúc của mình. Hoạt động “Dòng sông cuộc đời” là hình ảnh của trẻ từ khi sinh ra cho đến thời điểm hiện tại mà trẻ có thể nhớ được. Trẻ sẽ vẽ một đường thẳng lên tờ giấy, chia các mốc thời gian theo độ tuổi, trong khoảng thời gian đó có những sự kiện đặc biệt nào đã xảy ra với trẻ. Dù đó là sự kiện vui hay buồn đều đáng được trân trọng và ghi vào. Sau đó, trẻ sẽ chia sẻ về cuộc sống của mình. Hoạt động này giúp trẻ trân trọng cuộc sống, những khoảnh khắc mình đã đi qua, đó là điều tuyệt vời tạo nên sự đặc biệt trong mỗi đứa trẻ.
Ngoài ra để phát triển các kỹ năng sống cho trẻ, giúp con tự kiểm soát cảm xúc tốt hơn, cha mẹ hãy tổ chức những chuyến đi dã ngoại picnic hay tìm hiểu và cho con tham gia vào các khóa học FasTracKids cho trẻ, các khóa trại hè bán trú,… để trẻ được gặp gỡ, tiếp cận với phương pháp giáo dục trẻ em phù hợp với thời đại hiện nay.
Theo cô Trần Thị Thanh Mai – Giáo viên kỹ năng sống tại CLB Kỹ năng sống Cara