Khi còn nhỏ, trẻ cũng như những miếng bọt biển tươi mới sẵn sàng “thấm hút” kiến thức, các kỹ năng sống trẻ em và thói quen. Mỗi một trải nghiệm mới, mỗi từ trẻ học được, mọi hành vi trẻ tiếp nhận đều là nền tảng cho một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên không phải lứa tuổi nào trẻ cũng làm được điều đó, mỗi một giai đoạn phát triển trẻ đều có những nhận thức và hành vi biểu hiện khác nhau.
Đặc biệt đối với trẻ ở lứa tuổi 4- 10 tuổi, đây được coi là giai đoạn hình thành tâm lý rõ ràng và có bước phát triển vượt bậc, nhưng sự phát triển vượt bậc đó luôn có những rào cản. Cụ thể đó chính là sự “mất tập trung” ở trẻ được diễn ra rõ rệt, trên thực tế các mẹ vẫn luôn phó thác rằng nhận thức và học lực của trẻ kém là do trẻ “lười học”, nhưng rất ít bố mẹ cho rằng việc học kém đi của trẻ là do không có kỹ năng tập trung trong học tập, tức là trẻ bị phân tán tư tưởng, trẻ bị mọi thứ xung quanh thu hút và gây sự chú ý.
Để cải thiện được kỹ năng tập trung cũng như giúp trẻ không bị “phân tán tư tưởng” vai trò của người bố, người mẹ và cách hướng dẫn, dạy dỗ trẻ luôn là yếu tố đứng đầu. Vậy nên, ở nhà hay bất kỳ môi trường nào cha mẹ đều phải có những phương pháp và thủ thuật riêng để tăng cường “khả năng tập trung” cho trẻ. Nếu trẻ mất tập trung cha mẹ nên làm gì?
1. Loại bỏ những yếu tố gây phiền nhiễu
Một số cha mẹ thường cho trẻ học ở bàn bếp để mẹ vừa nấu cơm vừa trông con. Nhưng ở đó mới có nhiều tác nhân gây phiền nhiễu như tivi, nói chuyện điện thoại làm trẻ mất tập trung. Vì vậy cha mẹ hãy sắp xếp thời gian, không gian hợp lý để con có thể rèn kỹ năng tập trung hiệu quả nhất. Hãy xem xét tạo không khí và không gian học tập cho trẻ với môt chiếc bàn riêng ở trong phòng ngủ hay phòng khách. Không mở Tivi, đài khi trẻ đang học bài và làm bài tập.
2. Luyện tập cho trẻ kỹ năng tập trung, quan sát, lắng nghe, thông qua các trò chơi, bài tập trí tuệ
Trò chơi “tìm sự khác biệt” sẽ giúp cho trẻ quan sát và ngồi học được lâu hơn. Có thể cho trẻ tìm sự khác biệt trong một bức tranh có nhiều chi tiết nhỏ.
Ví dụ: Trò chơi “đôi mắt tinh nhanh”, cho hai bức tranh với nhiều chi tiết nhỏ, yêu cầu trẻ tìm điểm khác nhau trong hai bức tranh đó.
Trò chơi tìm ra những con số trong các dãy số.
Ví dụ: Khoanh tròn các số 1771 trong các số sau:
1717 1771 7117 1717 7171 1771 1177 7771
7711 7171 1771 7117 1717 7771 7117 1171
Tùy vào nhận thức của trẻ, bố mẹ sẽ lựa chọn mức độ dễ hay khó cho phù hợp và hiệu quả. Để luyện tập cho trẻ khả năng lắng nghe, bố mẹ có thể đọc cho trẻ nghe dãy số, nghe và sắp xếp lại, khi trẻ nghe xong yêu cầu viết lại, sắp xếp dãy số theo trí nhớ, vừa rèn được kỹ năng lắng nghe vừa giúp trẻ kiên trì và tập trung hơn.
3. Cùng trẻ đặt ra mục tiêu rõ ràng
Trẻ cũng như người lớn sẽ không thể nào chuyên tâm khi đối mặt với cả núi công việc, bố mẹ nên hướng dẫn và tập luyện cho con cách đặt ra mục tiêu.Tuy nhiên để trẻ biết được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đặt ra mục tiêu, bố mẹ cần cho trẻ tham gia một số trò chơi, trẻ biết được tại sao lại phải đặt mục tiêu? Đặt mục tiêu đem lại kết quả gì? Khi đó bố mẹ sẽ đặt ra mục tiêu cho trẻ trước (ví dụ: trong 2 tiếng con phải làm xong bài tập viết thì mới được đi chơi, hơn là yêu cầu chung chung “con làm bài tập đi” ) khi bố mẹ đặt mục tiêu, trẻ cảm thấy vừa mang tính thôi thúc vừa có động lực, dần dần khi thành thói quen trẻ sẽ nhận thức được và tự đặt mục tiêu cho mình, đồng thời kỹ năng tập trung của trẻ sẽ được cải thiện rõ rệt.
Nếu lượng bài tập nhiều trẻ có thể chia ra để làm trong các khoảng thời gian nhất định, xen kẽ vào đó trẻ đựơc nghỉ nghơi, để tránh mệt mỏi, căng thẳng.
4. Hãy dành những lời khen và phần thưởng cho trẻ
Thỉnh thoảng bố mẹ hãy dành những lời khen và phần thưởng nho nhỏ dể động viên kịp thời khi thấy trẻ đặt được kết quả cao nhờ kỹ năng tập trung cao độ. Mặc dù phần thưởng không lớn nhưng trẻ tự nhận thức và phân biệt được đó là hành động tốt thì mới được khen thưởng, còn hành động xấu thì sẽ bị phạt. Đồng thời trẻ sẽ vì sự quan tâm của bố mẹ và thấy hiệu quả của công việc, trẻ sẽ tự giác, tự phấn đấu để phát huy hơn nữa khả năng tập trung tư tưởng trong học tập.
Trên đây, là một số phương pháp giúp trẻ tăng cường kỹ năng tập trung – một trong những kỹ năng sống trẻ em quan trọng, bố mẹ hãy luôn ghi nhớ rằng giúp cho trẻ tập trung ngay từ khi còn nhỏ là bố mẹ đang giúp con dần tiến tới trên con đường thành công.
Theo cô Triệu Thị Tiên – Giáo viên kỹ năng sống tại CLB Kỹ năng sống Cara