Không thể phủ nhận rằng việc nuôi dưỡng và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ nhỏ là một công việc khó và đòi hỏi các bậc phụ huynh phải biết kiên nhẫn và có phương pháp dạy trẻ đúng đắn. Có rất nhiều cha mẹ đến với Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara và mong muốn được tư vấn bởi trẻ thụ động và không tự tin. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thụ động của trẻ trong bài viết dưới đây.
Trong số các bậc phụ huynh tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Cara, phần lớn, các bậc phụ huynh yên tâm khi các bạn nhỏ biết nghe lời, biết nhường nhịn em nhỏ… Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ lại ảm thấy lo lắng vì dường như con ít tỏ rõ quan điểm và thái độ của mình. Đặc biệt hơn, khi đứng trước một sự lựa chọn nào đó, bé sẽ chọn cách lảng tránh, nhờ cha mẹ quyết định. Điều này khiến trẻ đánh mất đi tư duy chủ động của bản thân và có xu hướng làm hài lòng những yêu cầu của người lớn.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều đó?
Một số phụ huynh nhận định rằng do con được giáo dục khá nề nếp ở nhà nên con biết nghe lời và tự giác. Thế giới quan của trẻ hình thành lúc này đang thông qua sự giáo dục của cha mẹ về những khái niệm như đúng – sai, tốt – xấu, ngoan – hư. Tuy nhiên, ở độ tuổi này những nhận thức về kỹ năng sống cho trẻ em chưa hoàn thiện hoàn toàn nên trẻ chưa thể nhận biết rõ ràng tiêu chuẩn của các khái niệm đó. Lúc đầu, hành vi của trẻ dựa trên mong muốn không bị người lớn phạt vì làm điều sai trái.
Khi gặp một tình huống có vấn đề, trước khi trẻ kịp đưa cách giải quyết thì một điều chúng ta thường hay mắc phải đó là chỉ cách cho con làm và đưa ra một khẳng định là “Làm như thế này mới là đúng”. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm cũng như suy nghĩ chủ quan của người lớn. Khi điều này diễn ra thường xuyên sẽ khiến trẻ mất đi khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề của chính mình.
Hãy dành thời gian lắng nghe ý tưởng và cảm xúc của trẻ. Hãy tham khảo các phương pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ trên mạng hoặc thông qua các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để từ đó định hướng cho trẻ đưa ra một lựa chọn phù hợp. Những câu hỏi bố mẹ có thể hướng dẫn cho con như: “Có chuyện gì đang xảy ra vậy? Theo con chúng ta nên làm gì? Nếu làm như thế thì điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta có thể làm theo cách khác được không?….” Nhưng câu hỏi này sẽ kích thích khả năng tư duy của trẻ, giúp trẻ nhận thức được nguyên nhân và hệ quả. Trẻ cũng sẽ hình thành được sự chủ động, sự sáng tạo khi gặp tình huống có vấn đề và chính kiến riêng của bản thân.
Một điều vô cùng quan trọng đó là hướng dẫn trẻ gọi tên những cảm xúc của mình. Phương pháp này hiện đang rất phổ biến trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em của các bậc phụ huynh. Cha mẹ có thể làm mẫu như “Mẹ cảm thấy rất vui vì con đã tự giác thu dọn đồ chơi của mình”. Bên cạnh đó, hãy luôn hỏi trẻ rằng con cảm thấy như thế nào. Điều này giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của mình, từ đó kiểm soát được cảm xúc đó tốt hơn. Trẻ cũng sẽ cảm nhận rằng mình được lắng nghe. Trẻ sẽ có sự cởi mở và chia sẻ cảm xúc, ý kiến riêng của mình hơn.
Cha mẹ hãy trở thành người hướng dẫn, định hướng cho con. Trở thành một trợ thủ đắc lực của con trong việc tìm hiểu về thế giới xung quanh để giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống của bản thân một cách tốt nhất. Và đặc biệt đừng quên rằng, hãy để cho con được tự cảm nhận thế giới của chính mình.
(Theo cô Lê Nhung – Giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara)