Bạn có thấy con không nghe lời bạn nói? Mỗi khi bạn trách mắng, con sẽ cãi lại hoặc thờ ơ với lời bạn? Những lúc như vậy, có khi nào bạn có tự hỏi tại sao con lại không nghe mình?
Đã có rất nhiều phụ huynh phàn nàn với tôi, “con thường coi lời nói mình như gió thổi bên tai, hoàn toàn không để tâm lời nói của cha mẹ”. Nhưng cha mẹ đâu nghĩ rằng chúng ta đều đã từng là trẻ con, đã từng trái lời người lớn, điều này cũng bình thường bởi mỗi chúng ta là một cá thể, có bộ não riêng biệt nên sẽ có ý thức, tư duy, tình cảm, hành vi khác nhau. Con cái chúng ta cũng vậy, nhất là khi con đang trong độ tuổi dậy thì. Vì thế, khi cha mẹ áp buộc những suy nghĩ của mình cho trẻ, chúng sẽ dễ nảy sinh sự phản kháng, không nghe lời.
Có một thực tế mà chúng ta phải buộc phải nhìn thẳng vào, đó là khi con trẻ không nghe lời, nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ, nếu cha mẹ giáo dục trẻ một cách thích hợp thì trẻ sẽ dễ bảo hơn.
Biểu hiện sai lầm:
Những việc làm sai lầm của cha mẹ cũng là nguyên nhân khiến con có những hành vi không đúng. Ví dụ: khi con đang nói chuyện, bố/ mẹ vừa đọc báo, lướt điện thoại vừa trả lời con. Lúc bào con sẽ nghĩ “không cần tập trung khi nghe người khác nói”, và lần sau chúng sẽ vừa chơi vừa nghe người khác nói. Cách tốt nhất bố mẹ có thể yêu cầu con đợi mình làm xong việc rồi nói chuyện, đồng thời hướng dẫn con làm một số việc trong thời gian chờ đợi đó.
Quy định không hợp lý:
Nếu quy định của người lớn không hợp lý thì trẻ khó lòng làm được. Ví dụ: con bạn là một đứa trẻ rất hiếu động, thích hoạt động. Nhưng bạn lại cấm con hoạt động bên ngoài, đương nhiên con sẽ cảm thấy rất khó chịu. Khi ấy, bạn nên đưa ra những hoạt động trong nhà để thu hút chúng.
Cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày
Đôi khi, không phải do hành động của trẻ có vấn đề, mà do trẻ tích tụ những cảm xúc bức bối lâu ngày mà không được giải tỏa. Ví dụ: có một bộ phim hoạt hình rất hot và các bạn trong lớp đều xem, nhưng bố mẹ cấm con không được xem, đến lớp các bạn luôn kể về tình tiết của bộ phim, con cảm thấy mình như người lạc hậu, không cùng chủ đề để có thể nói chuyện với các bạn, vì thế sẽ cảm thấy lạc lõng. Con sẽ mang những cảm xúc không tốt đó về nhà, lâu dần, tâm lý bị ảnh hưởng và dẫn đến hành động phản kháng với bố mẹ. Lời khuyên cho phụ huynh, hàng ngày, nên có thời gian cố định trò chuyện cùng con, dù chỉ 5 phút cũng phải chuyên tâm, như vậy, rất có ích cho việc hiểu rõ tâm tư và khúc mắc thật sự của con.
Nói quá nhiều
Cha mẹ nói quá nhiều trước mặt con, kèm theo ý mình muốn nói là vô số những lời than thở, trách móc hoặc nói cùng lúc vài chuyện, vài yêu cầu khiến hiệu quả sẽ ngược lại những điều cha mẹ mong muốn. Trẻ sẽ không hiểu rốt cuộc mình bị yêu cầu gì nên sẽ bỏ ngoài tai những lời đó.
Khi đưa ra yêu cầu cho con, cha mẹ nói càng đơn giản, ngắn gọn càng tốt, có thể nói với con hai đến ba vấn đề của một việc là đủ, đồng thời bảo chúng nhắc lại lời mình, cũng phải giám sát khi chúng thực hiện.
Nói quá to
Nhiều bố mẹ cho biết, để trẻ chú tâm vào lời nói của mình, họ buộc phải quát to. Tuy rằng, lúc đó trẻ chú ý, nhưng chúng chỉ chú ý vẻ mặt giận giữ của bố mẹ hơn là lời nói. Trên thực tế, bố mẹ càng dịu dàng thì con cng dễ chú tâm. Nếu giận dữ, hãy đến trước mặt con, yêu cầu con dừng việc đang làm lại, nhìn vào mắt chúng và nói ra suy nghĩ của bản thân với thái độ dịu dàng. Như vậy, bản thân bố mẹ cũng thấy bình tĩnh lại.
Cần tôn trọng con
Một số phụ huynh cho biết, con mình nói luôn mồm và không chuyện nào có nội dung cả, họ cảm thấy rất không hứng thú để lắng nghe. Vì vậy, khi con nói, bố mẹ thường tỏ ra không để tâm, mắt không dời chương trình tivi hoặc quyển sách trên tay.
Thật ra, cha mẹ cũng nên yêu cầu bản thân như yêu cầu với con. Nhìn vào mắt chúng, nghiêm túc lắng nghe từng chữ chúng nói, đáp lại lời chúng bằng những câu nói đơn giản, cũng có thể đưa ra một vài câu hỏi liên quan, thể hiện thực sự mình đang lắng nghe.
Bùi Thị Hoa